Một số điểm mới trong dự thảo luật giao thông đường bộ 2020
[Định vị ô tô Vtracking] - Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2020 có những điểm mới như: thêm Giấy phép lái xe hạng A0; xe máy, xe đạp điện phải bật đèn cả ngày; không được vượt đèn xanh tại nút giao có ùn tắc…
Dự thảo được lấy ý kiến từ 21.4 đến hết ngày 21.6.2020, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:
Ảnh minh họa: 10 điểm mới trong dự thảo luật GTĐB 2020 |
1. Xe máy, xe đạp điện phải bật đèn ban ngày.
Hình 1 - Xe máy, xe đạp điện phải bật đèn ban ngày |
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
2. Cấm sử dụng điện thoại khi lái xe.
Hình 2 - Cấm sử dụng điện thoại khi lái xe |
Dự thảo quy định, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm, đồng nghĩa với việc quy định cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe được áp dụng với tất cả các tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bao gồm cả tài xế xe ô tô.
Trong khi đó, theo luật hiện hành, chỉ người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, không quy định đối với người điều khiển xe ô tô.
3. Ngồi ghế sau cũng phải thắt dây an toàn.
Hình 3 - Ngồi ghế sau cũng phải thắt dây an toàn |
Theo dự thảo, lái xe và người được chở khi ngồi trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những vị trí có trang bị dây an toàn, quy định cũ chỉ lái xe và người ngồi hàng ghế trước thắt dây an toàn.
4. Phân biệt rõ dừng và đỗ xe.
Hình 4 - Phân biệt rõ dừng và đỗ xe |
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa độ mới, dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút, người điều khiển phương tiện không rời khỏi vị trí điều khiển phương tiện, trừ trường hợp xuống để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.
5. Có thêm Giấy phép lái xe hạng A0.
Hình 5 - Có thêm Giấy phép lái xe hạng A0. |
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Đáng chú ý, lần đầu tiên có Giấy phép lái xe hạng A0 được cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW.
Ngoài ra, Giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 - 125cm3 (hiện nay là 50cm3 - dưới 175cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 4kW - 11kW.
Còn Giấy phép lái xe hạng A2 đang cấp cho người điều khiển các loại xe mô tô 2 bánh có dung tích trên 175cm3 và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được gộp chung lại trong Giấy phép lái xe hạng A dành cho xe mô tô 2 bánh trên 125 cm3 hoặc có động cơ trên 11kW.
6. Được sử dụng bằng lái xe nước ngoài.
Hình 6 - Được sử dụng bằng lái xe nước ngoài |
Theo dự thảo, người lái xe phải mang theo bản chính Giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện. Trong đó, Giấy phép lái xe gồm một trong các loại sau:
- Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
- Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo nguyên tắc có đi có lại cấp, còn giá trị sử dụng;
- Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp, còn giá trị sử dụng;
- Giấy phép lái xe quốc tế và Giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp đối với người nước ngoài.
Như vậy, người lái xe được sử dụng một trong các loại Giấy phép lái xe trên khi tham gia giao thông tại Việt Nam.
7. Không được vượt đèn xanh tại nút giao khi ùn tắc.
Hình 7 - Không được vượt đèn xanh tại nút giao khi ùn tắc. |
Dự thảo nêu, tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.
Điều này có nghĩa nếu người điều khiển phương tiện nhìn thấy đèn xanh tại nút giao cắt giữa các tuyến đường vẫn phải dừng lại nếu phía trước đang ùn tắc.
8. Không được nhả khói bụi, gây tiếng ồn khi có thể tránh được.
Hình 8 - Không được nhả khói bụi, gây tiếng ồn khi có thể tránh được |
Dự thảo luật quy định người điều khiển phương tiện phải chú ý không để phương tiện của mình làm ảnh hưởng cho những người tham gia giao thông khác như gây ra tiếng ồn, làm bụi, khói mà thực tế có thể tránh được.
Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường.
9. Chỉ được chuyển 1 làn trên cao tốc.
Hình 9 - Chỉ được chuyển 1 làn trên cao tốc |
Điểm c, Khoản 1, Điều 35 của dự thảo quy định mỗi lần chuyển làn chỉ được phép chuyển qua 1 làn liền kề. Như vậy, nếu người lái xe trên cao tốc muốn chuyển từ làn ngoài cùng đến làn trong cùng thì sẽ phải di chuyển vào làn giữa, chạy ổn định rồi mới tiếp tục được chuyển sang làn trong cùng.
10. Nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh.
Hình 10 - Nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh |
Người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ và khi cần thiết phải dừng hẳn lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường. Trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển xe buýt, xe đưa đón học sinh phải luôn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.
***** Xem thêm: Nghị định 86 sửa đổi: Xe trên 9 chỗ bắt buộc lắp camera giám sát
Nguồn: Báo Thanh niên